“Đại gia” nông dân tỉnh Đồng Nai tiết lộ cách “biến” tất cả các bộ phận của cây sen thành…tiền tỷ
Vì những ấm ức khi nhiều bộ phận của cây sen quê nhà bị “từ chối” bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã cố gắng làm tất cả mọi thứ để đưa những sản phẩm độc đáo làm từ cây sen ngày càng vang xa.
Nhân chuyến công tác ở tỉnh Đồng Nai, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện Hội Nông dân cụm thi đua số 6 đã thăm, làm việc với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trường Phát, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác thăm Hợp tác xã sen Trường Phát, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đây là một mô hình sản xuất các sản phẩm độc đáo từ cây sen, có tiếng vang khắp cả nước từ nhiều năm nay. Và Giám đốc hợp tác xã chính là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, người có rất nhiều năm gắn bó với sen và cố gắng đưa sản phẩm từ cây sen thành thương hiệu.
Hội Nông dân10 tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 6 đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hợp tác xã sen Trường Phát
Tham qua hợp tác xã Trường Phát, đoàn công tác đã được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra các sản phẩm từ cây sen của Hợp tác xã này. Nhiều đơn vị cũng muốn hợp tác với Đồng Nai để đưa thương hiệu các sản phẩm từ cây sen vươn xa hơn.
Hiện hợp tác xã có rất nhiều sản phẩm chế biến từ cây sen như sen sấy, sen luộc, trà hạt sen, trà củ sen, tim sen, bột sen,…Các sản phẩm chế biến từ cây sen của Hợp tác xã không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu.
Hợp tác xã này cũng tạo việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương, giúp các hộ nông dân yên tâm trồng sen, không lo tình trạng được mùa mất giá.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định (phải) và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phụ trách phía Nam Phạm Minh Hùng (giữa) tham quan mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây sen.
Chia sẻ với đoàn, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho biết vào năm 1998, một công ty của Đài Loan đề nghị bà con ở huyện Nhơn Trạch trồng sen, họ bao tiêu sản phẩm.
Chưa kịp mừng vì cây sen có đầu ra, bà con nông dân lại khổ sở khi doanh nghiệp này biến mất không lời nói. Và cha mẹ chị Lệ cũng chính là những nạn nhân của việc doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”. Từ đó, chị Lệ thấy ấm ức thay, muốn làm gì đó với cây sen trồng ở quê hương, cho chính gia đình mình.
“Thấy sen trồng ra đổ bỏ đầy đồng tôi như đứt từng khúc ruột. Lúc đó, tôi tự đem sen đi bán, sen tươi mau hư thì mình phơi khô. Sen nhỏ khó bán thì mình tách lấy tim sen làm trà…Tôi chỉ có một quyết tâm là phải bán được sen, phải giúp gia đình và bà con có đầu ra cho cây sen, giữ được nghề trồng sen lâu na…y”, bà Lệ chia sẻ.
Cũng nhờ làm ăn uy tín, cơ sở chế biến sen của bà Lệ rộng đường vào các đại lý, cửa hàng trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, các sản phẩm sen Trường Phát được huyện Nhơn Trạch chọn vào chương trình OCOP.
Năm 2020, bà Lệ thành lập HTX, liên kết với bà con trồng sen với diện tích trên 70ha, thu mua mọi bộ phận của cây sen, từ lá đến củ và hạt sen. Các bộ phận của cây sen được đưa vào chế biến giúp 40 xã viên, bà con nông dân có việc làm ổn định.
Bà Lệ cũng vừa giành một giải thưởng lớn về phụ nữ khởi nghiệp liên quan đến mô hình sản xuất sản phẩm từ sen.
HTX Trường Phát đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngay từ khi tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai. Kết quả, năm 2019, HTX đã có 3 sản phẩm sen đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Và trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1- năm 2020; trong số 16 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trường Phát có 4 sản phẩm.
Bà Lệ chia sẻ thêm: “Trồng lúa cố gắng lắm thì mỗi ha chỉ lãi chừng 15 triệu đồng mà phải tốn rất nhiều công chăm sóc. Trong khi trồng sen mang lại lợi nhuận cao gấp 5-6 lần trồng lúa và không phải lo đầu ra nên việc lựa chọn trồng cây sen tại địa phương là điều tất yếu.”
Trước những chia sẻ và những sản phẩm mà Trường Phát có được, đại diện Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cũng đã đề nghị bà Lệ trong tương lai hợp tác cùng hội viên nông dân Bình Thuận để ổn định đầu ra cho sản phẩm sen.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cụm thi đua số 6 đánh giá cao mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây sen của Hợp tác xã Trường Phát. Ông Nguyễn Xuân Định cũng mong muốn tới đây, Hợp tác xã sẽ mở rộng mang lưới liên kết, mở rộng thị trường, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nông dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai