Những ngày này, ở các xã Long Tân, Phú Hội, Hiệp Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) thương lái tấp nập đến mua sen. Nhờ cây sen, nông dân trên vùng đất sình lầy từng bị bỏ hoang này đã có cuộc sống ổn định, khá giả.
Ở các địa phương nói trên, có đến hàng trăm hộ nông dân sống bằng nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề trồng sen. Ông Nguyễn Văn Ân, người dân xã Long Tân ngồi rửa đống ngó sen mới hái xong, vừa kể chuyện trồng sen. Ông cho biết, trước đây khu vực Long Tân là vùng đất trũng, hoang vu, đất đai bị nhiễm phèn. Đến mùa mưa, nước sông Đồng Nai dâng lên và thường gây ngập úng. Người dân nơi đây đã cải tạo đất và trồng lúa nhưng năng suất không cao. Sau đó, ông cùng với một số hộ dân ở đây đắp bờ để hình thành nên các đầm và trồng thử cây sen. “Không ngờ loại cây này phát triển rất nhanh và cho năng suất cao”, ông Ân cho biết. Sen là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, không mất nhiều chi phí và công chăm sóc. Tuy nhiên, người nông dân cần nắm chắc kiến thức về chu kì sinh trưởng, phát triển và thu hoạch của cây. Để cho cây sen được thông thoáng và có thể thu hoạch từ vụ này sang vụ khác, khi trồng, khoảng cách mỗi cây phải 3m. Trước khi trồng phải làm mới đất, rải phân, rồi mới xả nước vào đầm. Khi bón phân lần đầu cho sen sinh trưởng là lúc lá ra nhiều, bón vào ngày mưa để phân không bị bám trên lá.
Ở Nhơn Trạch, người dân bắt đầu trồng sen từ tháng 2, tháng 3. Mùa thu hoạch cao điểm là vào tháng 6, tháng 7. Tùy nhu cầu của thương lái mà người trồng sen có thể ưu tiên thu hoạch ngó sen, bông sen hay đài sen. Đối với sen trồng lấy hạt, để đảm bảo chất lượng hạt sen, người trồng phải thu hoạch đúng thời vụ. Nếu hạt dùng để ăn sống thì thu hoạch thời điểm hạt bánh tẻ là ăn vừa độ giòn, độ ngọt của hạt. Còn nếu thu hoạch để sấy khô, nấu chè… tốt nhất là khi đầu hạt sen dần chuyển sang màu vàng nhạt, hạt không còn khít trong các đài sen. Theo ông Ân, nếu không thu hoạch kịp thời, hạt sen sẽ nhanh chóng chuyển sang màu đen ảnh hưởng tới chất lượng và giá của sản phẩm.
Đối với sen trồng để lấy ngó, thu hoạch từ lần ra ngó thứ 2 trở đi (sau 1,5 tháng), khoảng cách trồng và chế độ chăm sóc cũng đặc biệt hơn. Nếu sen đến độ thu hoạch, 1 tuần hái ngó một lần, nếu mưa liên tục chỉ 2 – 3 ngày sau ngó đã dài ra. Khi hái, nếu không chú ý sẽ làm tổn thương đến rễ cây, cây lụi rồi chết. Đối với người trồng sen lấy ngó, thu hoạch có phần vất vả hơn bởi phải hái ngó sen lúc sáng sớm thì ngó mới ngon.
Chị Tâm, người trồng 3 mẫu sen ở xã Phú Hội hồ hởi cho hay, trồng sen mùa này hiệu quả hơn cây lúa đã đành, nhưng chị còn kết hợp chăn nuôi gắn với các đầm sen để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trên cùng một diện tích, có đầm chị cho thả cá, đầm khác chị nuôi vịt nữa. Thành ra, kết quả thu được gấp 2, 3 lần cây lúa. Chỉ tính riêng cây sen, mỗi vụ trừ chi phí chị cũng có lãi khoảng 50 triệu đồng. Hiện tại, giá xuống thấp hơn so với đầu mùa, bán tại nhà cho thương lái đài sen có giá 10.000 đồng/kg, ngó sen: 25.000 đồng/kg, củ sen: 18.000 đồng/kg. “Chịu khó mang ra chợ bán giá còn gấp đôi, hay hơn”, chị Tâm nói.
Cũng theo chị Tâm, trước đây cánh đồng này phủ đầy sen, nhưng dần họ chuyển sang trồng lúa. Còn phần đất khác nằm trong diện quy hoạch nên diện tích giảm đi đáng kể. Có nhiều hộ trồng vụ lúa, vụ sen. “Đây là đám sen tôi trồng để bán hoa mùa “lễ Vu Lan”, chị Tâm chỉ tay vào đầm sen đang bắt đầu ra bông. Nếu bông ra đúng dịp, giá bông loại 1 3.000đ/bông, loại thường cũng 2.000 đồng/bông. So với bán đài, bán bông được tiền hơn, tuy nhiên chỉ bán được giá ở thời điểm đó. Còn đài và ngó, lúc nào cũng có người mua. Đến mùa lễ hội, tháng Vu lan là thương lái đổ về đây tìm mua hoa sen nhiều lắm. Từ khi chuyển sang trồng sen, gia đình chị đã cất được nhà, mua được xe máy và một số vật dụng có giá trị khác. Hơn nữa, việc thu hoạch sen theo ngày, theo tuần cũng giúp cho gia đình chị có đồng ra, đồng vào. Như vậy, với ưu thế về thời gian cho thu hoạch, chi phí đầu vào và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ, thị trường đầu ra ổn định, trồng sen đã trở thành mô hình thích hợp và hấp dẫn với những diện tích đất trũng thấp như ở một số xã của huyện Nhơn Trạch.